Khái niệm tín chấp được sử dụng khá phổ biến trong đời sống xã hội, nó có thể hiểu đơn giản là sự đảm bảo bằng uy tín cá nhân hoặc tổ chức, pháp nhân để đảm bảo cho việc thực hiện một nghĩa vụ nào đó. Bài viết phân tích, làm sáng tỏ khái niệm, đặc điểm của tín chấp theo quy định pháp luật:
1. Khái niệm về tín chấp
Điều 344 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Tổ chức chính trị-xã hội tại cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng khác để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật”.
Từ quy định trên cho thấy ngoài các biện pháp bảo đảm bằng tài sản, hợp đồng tín dụng có thể được bảo đảm bằng uy tín của các tổ chức chính trị-xã hội.
Khi các thành viên nghèo của mình có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh hoặc làm dịch vụ mà không có tài sản bảo đảm, các tổ chức chính trị-xã hội bằng uy tín của mình để bảo đảm trước các tổ chức tín dụng cho thành viên của mình vay vốn. Khi đứng ra bảo đảm, các tổ chức này phải xác nhận theo yêu càu của tổ chức tín dụng về điều kiện, hoàn cảnh của cá nhân, hộ gia đình nghèo khi vay vốn tại tổ chức tín dụng đó đồng thời phải chủ động hoặc phối hợp chặt chẽ với tổ chức tín dụng giúp đỡ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay vốn; giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho tổ chức tín dụng. Tổ chức chính trị-xã hội có quyền từ chối bảo đảm bằng tín chấp, nếu xét thấy cá nhân, hộ gia đình nghèo không có khả năng sử dụng vốn vay để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ và trả nợ cho tổ chức tín dụng.
Tín chấp là việc tổ chức chính trị xã hội tại cơ sở bằng uy tín của mình để bảo đảm cho thành viên của mình vay vốn tại các tổ chức tín dụng bằng việc xác nhận về điều kiện, hoàn cảnh của cá nhân, hộ gia đình nghèo khi vay vốn và phối hợp chặt chẽ với tổ chức tín dụng giúp đỡ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay vốn; giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho tổ chức tín dụng.
2. Phân tích các đặc điểm của tín chấp
Có thể nói, tín chấp là một hình thức bảo lãnh vay vốn nhưng khác với với bảo lãnh thông thường ở một số điểm sau đây:
– Người bảo đảm: Phải là tổ chức chính trị-xã hội tại cơ sở;
– Người được bảo đảm: Là thành viên nghèo của tổ chức là người bảo đảm;
– Đối tượng để bảo đảm: Là uy tín của tổ chức;
– Mục đích vay: Thực hiện sản xuất, kinh doanh hoặc dịch vụ được xác định cụ thể trong hợp đồng vay vốn và người vay phải sử dụng vốn đúng với mục đích vay đã được xác định trong hợp đồng;
– Bên cho vay có quyền kiểm soát việc sử dụng vốn vay và có quyền chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và thu hồi vốn nếu người vay sử dụng vốn không đúng mục đích đó.