Chúng ta thường nghe đến “định chế chính trị”, “định chế xã hội”, “định chế tài chính”,… Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ định chế là gì và thường nhầm lẫn hai khái niệm định chế và chế định là một. Luật Minh Khuê xin giải đáp thắc mắc như sau:
1. Hiểu như thế nào về định chế?
Định chế là các tổ chức được thành lập và hoạt động trong một lĩnh vực nhất định của nền kinh tế.
Các định chế thường là các pháp nhân dân sự, kinh tế – thương mại, được hình thành và hoạt động trong một lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế do nhu câu đòi hỏi của nền kinh tế. Trong thực tiễn hiện nay người ta thường dùng thuật ngữ này để chỉ các tổ chức tài chính (định chế tài chính) như các công tỉ bảo hiểm, công ti tài chính, tổ chức tín dụng…
Định chế là tổng hoà giữa hệ thống tổ chức thiết chế xã hội với hệ thống các chế định điều tiết cá nhân và cộng đồng theo những dạng thức quan hệ tương ứng. Trong một định chế sẽ có hai yếu tố hợp thành là tổ chức thiết chế xã hội và chế định.
- Tổ chức thiết chế xã hội là các tổ chức, cơ quan được xây dựng, thành lập, hoạt động trong xã hội theo quy định của pháp luật.
- Chế định là hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của các chủ thể trong định chế.
Như vậy, cần phân biệt tổ chức và chế định với định chế. Vì bản chất tổ chức và chế định là hai yếu tố cấu thành nên định chế. Nếu chỉ có hệ thống quy phạm pháp luật điều chỉnh về một lĩnh vực nào đó trong cuộc sống (hay chế định) mà không có sự xuất hiện của tổ chức hoạt động về lĩnh vực đó (hay tổ chức thiết chế xã hội) thì không thể hình thành nên một định chế trong xã hội. Và ngược lại, nếu có sự xuất hiện của tổ chức mà không có chế định điều chỉnh về hoạt động của tổ chức đó thì cũng không thể hình thành nên một định chế.
2. Các loại định chế?
Trong một xã hội, không chỉ tồn tại một định chế mà còn có rất nhiều loại định chế song song khác cùng tồn tại và có các giá trị khác nhau, bao gồm:
– Định chế chính trị là tổng hoà các phương thức quan hệ và các thiết chế xã hội – chính trị tương ứng, như các chính đảng, các tổ chức nhà nước và bộ máy nhà nước, các đoàn thể chính trị của quần chúng nhân dân… cùng với hệ thống các chế định tương ứng
– Định chế xã hội cộng đồng cư dân là hình thức tập hợp dân cư theo lãnh thổ cư trú, theo dòng họ và gia đình, như thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố; chi tộc, đại gia tộc… cùng với hệ thống các chế định xã hội tương ứng.
– Định chế xã hội phi chính phủ bao gồm tất cả các tổ chức không thuộc bộ máy hành chính nhà nước và không nhằm mục đích lợi nhuận, không theo đuổi mục tiêu chính trị, được lập ra một cách tự nguyện, hợp pháp và có tư cách pháp nhân theo luật định cùng với hệ thống các chế định xã hội tương ứng. Có ba dạng chủ yếu của định chế xã hội phi chính phủ: tổ chức phi chính phủ mang tính chất quốc gia; tổ chức phi chính phủ mang tính chất quốc tế; và tổ chức phi chính phủ mang tính chất chính phủ.
– Định chế xã hội tôn giáo, tín ngưỡng bao gồm những tổ chức và thành viên được hình thành và hoạt động theo những chế định xã hội đặc biệt, phản ánh bản chất, chức năng xã hội của tôn giáo, tín ngưỡng.
– Định chế kinh tế bao gồm toàn bộ các tổ chức kinh tế được hình thành trong đời sống xã hội cùng với hệ thống các chế định xã hội tương ứng.